Rượu vang, Hemingway & nền văn hóa thưởng thức vẻ đẹp cuộc đời
Loại đồ uống có cồn lâu đời nhất lịch sử, một nét văn hoá vừa phổ quát nhưng lại cũng rất riêng. Rượu vang cứ như biên niên kí về thời gian, không gian, và những con người sinh ra để thưởng thức vẻ đẹp của cuộc đời.
Loại đồ uống có cồn lâu đời nhất lịch sử, một nét văn hoá vừa phổ quát nhưng lại cũng rất riêng. Rượu vang cứ như biên niên kí về thời gian, không gian, và những con người sinh ra để thưởng thức vẻ đẹp của cuộc đời.
Giữa Hemingway và Paris
Hemingway, nhà văn người Mỹ mạnh mẽ là thế, lúc nào cũng chăm chăm đi vào vùng khói lửa đạn lạc, văn chương của ông cũng phải gai góc, thẳng đuột, sở thích của ông cũng phải là câu cá ngoài khơi Cuba hay xem đấu bò tót Tây Ban Nha, ấy vậy mà, ông cũng không thể kiềm lòng trước một Paris yểu điệu duy mỹ. Nhà văn đến Paris vào những năm 1920 để ngay lập tức chìm vào những hội hè miên man, những người bạn đồng điệu của một thế hệ “lạc lối”, những con phố dọc bờ sông Sienne, những hiệu sách, những quán café, những món ăn và (rất nhiều) ly rượu. Nếu sống ở Paris những năm tháng như vậy, người ta sẽ thấy một Hemingway nhà văn nghèo vẫn đang chật vật tìm cách sinh tồn từ sự nghiệp văn chương. Khi đã chán quán Café des Amateurs trên phố Mouffetard, một nơi “buồn bã, quái quỷ đầy những kẻ say khướt”, ông đi bộ trong cơn gió lạnh, qua đại lộ St. German để đến Place St.-Michel, tìm đến một quán café khác, ấm áp hơn, dễ chịu hơn, sạch sẽ hơn, thân thiện hơn để ngồi hàng giờ viết trong vào cuốn sổ tay, ngắm nhìn cô gái xinh đẹp vừa mới đẩy cửa bước vào quán café, ông uống rum St. James khi cần một lực đẩy đủ mạnh để vượt qua sự quyến rũ của người đàn bà nước Pháp và tập trung trở lại vào viết lách. Và khi câu chuyện ngắn hoàn thành, ông mới bắt đầu gọi cho mình một chút rượu vang trắng.
Vang trắng ư? Hemingway đang muốn một thứ rượu phù hợp nhất với thứ cảm xúc phức tạp “trống rỗng đâu đó giữa buồn và vui, như thể tôi vừa mới làm tình”. Hemingway cũng cần một món uống thích hợp nhất cho món hàu sống tuyệt vời trứ danh. “Khi nếm vị mặn mòi của biển và để vang trắng lạnh rửa trôi chút phảng phất vị kim loại, chỉ còn hương vị biển cả và cảm giác đầy ắp trong miệng, và khi tôi uống cạn thứ chất lỏng lạnh toát từ vỏ hàu, rồi cũng lại rửa trôi nó bằng vị sắc nhẹm của rượu, cảm giác trống rỗng đột ngột tan biến, tôi bắt đầu cảm thấy hạnh phúc…” Rất nhiều ngày như thế, rất nhiều giờ như thế, nếu không phải ngồi một mình trong quán café ven bờ sông viết, ăn, rồi uống, thì cũng là trong căn phòng chật kín những nhà văn, nhà thơ, nhà triết học, những nhà hoạt động nữ quyền, những biểu tượng đồng tính của một giai đoạn, những hoạ sĩ… để vừa ngắm bức hoạ “thiếu nữ khoả thân” Picasso vừa vẽ, vừa uống rượu vang… Rượu vang có mặt ở mọi lúc, mọi nơi, nó chẳng chê bai gã nhà văn nghèo, nó ở đó để ăn mừng cùng anh ta khi viết xong một thiên truyện, để xoa dịu thêm thứ cảm xúc khó tả của người nghệ sĩ, để khiến những món ăn nức tiếng ẩm thực Pháp thêm tròn vị, thăng hoa, và dù có “tay làm hàm nhai”, có khi chỉ có mẩu phô mát và chiếc bánh mì dài để gặm, anh ta cũng chẳng thể nào nói không với một chai rượu vang. Kì thực nếu không có cuốn Hội hè Miên man ghi lại những tháng ngày Hemingway sống ở Paris, chắc chẳng ai biết chính những ly rượu vang như vậy gián tiếp là xúc tác cho tác phẩm của ông, cho tháng ngày những con người kiệt suất của nghệ thuật thế giới giao lưu và truyền cảm hứng cho nhau.
Nói tóm lại, không phải vì những ly rượu vang, chưa chắc thế giới đã có những năm đầu thế kỷ 20 đầy hoàng kim của thơ ca, nhạc hoạ, của Gertrude Stein, của James Joyce hay F. Scott Fitzgerald…
Chất lỏng của Chúa trời
Hemingway, Paris và rượu vang… tôi nghĩ từng ấy đã đủ vẽ lên một vũ trụ của sự duy mỹ. Văn hoá uổng rượu vang ở thời Hemingway thế nào, thì giờ vẫn vậy, người ta vẫn ngồi ở những mái hiên quán café bên sông nhấp ly rượu vang thậm chí trong bữa ăn trưa, buổi xế chiều và tất nhiên trong những bữa tối. Người ta biết tên từng nhãn hiệu rượu, năm ra đời, vùng đất xuất xứ của nó như thể đọc review một món đồ phải bỏ tiền tỷ để mua. Người ta kĩ lưỡng trong việc chọn rượu đến mức bàn ăn tối có một món khai vị, hai món chính thì mỗi món sẽ phải đi kèm một loại rượu vang riêng. Người ta đến những vườn nho khắp vùng Burgundy nước Pháp, Turino nước Ý cho đến California nước Mỹ để sưu tầm những nhãn hiệu vang địa phương độc đáo nhất, ít người biết đến nhất. Thú thưởng rượu vang nếu để lưu trữ thành văn bản thì có lẽ cả biên niên sử cũng chưa đủ. Ta tự hỏi thứ chất lỏng nghe tưởng rất phổ biến ấy, có gì mà khiến từ ông nhà văn danh tiếng cho đến cô nàng thanh lịch vô danh, ai nấy cũng đều mê mệt?
Không ai biết chắc chắc về khởi thuỷ của rượu vang, thánh kinh Iran xưa ghi lại câu chuyện về một công chúa đã tạo nên rượu vang ở vương quốc Iran cổ đại tình cờ ăn những trái nho hỏng trong bình để rồi cảm thấy những nỗi buồn trong đời cũng tan biến sạch. Dù có là cổ tích truyền miệng thì phát kiến vô tình này cũng đã lý giải “niềm hạnh phúc lâng lâng” những trái nho lên men mang đến cho người uống nó. Và con người từ thời thuỷ tổ đã mưu cầu niềm vui hay những cuộc vui, bởi những dấu vết lâu đời nhất của rượu vang được tìm thấy ở vùng núi phía bắc Iran từ những năm 5400 – 5000 TCN, đồng nghĩa với việc nghệ thuật làm rượu vang có thể đã bắt đầu từ những năm 6000 TCN, cùng thời điểm với giai đoạn quan trọng của lịch sử loài người khi họ bắt đầu ổn định cuộc sống ở một địa hình để canh tác, trồng trọt. Trải qua những nền văn minh khác, từ Ai Cập cổ đại cho đến Hy Lạp, La Mã cổ đại, rượu vang trở thành món đồ uống chủ đạo. Alexander the Great mê mẩn rượu vang đến độ mang cả nó trên đường chinh phục Châu Á, và người Hy Lạp cổ đại đã ý thức được những công dụng tuyệt vời của rượu vang với sức khoẻ, mê mẩn nó đến mức gọi nó bằng cái tên mĩ miều “chất lỏng của Chúa Trời”, có cả một vị thần Rượu Dionysus – con của Zeus, và đặc biệt coi nó là một thứ đồ uống nghi lễ khi cần một tâm trí minh mẫn nhất cho những buổi luận bàn triết học.
Rượu vang đã lan khắp Châu Âu, và người Pháp kế thừa nó khôn khéo đến mức biến nó thành sản vật quốc gia, thành món đồ uống tiêu thụ số một quốc gia này. Đến năm 1725, Bordeaux đã chính thức được công nhận là vùng sản xuất loại rượu vang đỏ ngon nhất chỉ phục vụ cho tầng lớp vua chúa quý tộc; rồi cứ thế thứ đồ uống có lịch sử lâu đời nhất trên thế giới này theo chân những nhà thám hiểm, những cuộc viễn chinh để đến vườn nho ở Nam Mỹ, Nam Phi, Úc, thậm chí đến cả vùng cao nguyên Lang Biang (Đà Lạt), Lâm Đồng xứ Đông Dương. Rượu vang chạm đến bàn ăn và gu thưởng thức của thế giới theo tiến trình lịch sử dài hơi như vậy, tinh hoa kế thừa từ tổng hoà lịch sử, văn hoá, nông nghiệp, địa lý và những sáng tạo của người làm rượu, chẳng trách Hemingway cho rằng “Rượu vang là một trong những thứ văn minh nhất và là một trong những điều tự nhiên nhất của thế giới. Nó đã đạt đến sự hoàn hào, mang đến một phạm vi thưởng thức và cảm kích cao hơn tất thảy những gì giác quan có thể cảm nhận.”
Nghề chơi cũng lắm công phu
Ăn hàu tươi cùng vài lát chanh và rượu vang trắng như Hemingway cũng là một kiểu công phu, mà am hiểu sâu xa hơn về thuộc tính của từng loại rượu để uống sao cho đúng cũng là một kiểu công phu khác. Rượu vang trước khi là sở thích cá nhân, đã là sản phẩm mang tính xã hội, linh hồn của những cuộc hội hè. Vì thế cách gọi rượu và thưởng thức nó cũng nói lên rất nhiều về địa vị xã hội hay khung nền văn hoá của họ, đến mức nhiều người còn coi những quy tắc thưởng rượu cũng như một kiểu nghệ thuật mà không phải cứ uống một chai là có thể nắm giữ thứ nghệ thuật ấy. Tuy nhiên, kĩ năng nào thì truyền nhân cũng có tips và tricks để bạn đốt cháy giai đoạn: Bạn có đang uống đúng loại rượu mình thích? Bạn có thể biết loại rượu nào thì đi kèm với loại thức ăn gì? Cách mời rượu đúng là thế nào? Cách để cầm ly rượu vang cho hay… Nhưng tất nhiên đây mới chỉ là khởi đầu, còn phía sau thì, cứ gọi là vô cùng tận. Loại ly nào sẽ mang đến hiệu quả thị giác, khứu giác, xúc giác tốt nhất khi uống từng loại rượu vang cụ thể, cầm ly rượu sao cho đúng (chắc chắn không phải ở bầu ly để tránh làm ấm rượu và phá hỏng trải nghiệm với ly rượu đó).
Thử tưởng tượng bạn đã có ly rượu trong tay, không sai sót gì. Giờ sẽ là lúc bạn thực hành bốn bước: Nhìn, Xoay, Ngửi và Nhấp. “Nhìn” để bạn có thể kiểm tra màu sắc và độ trong của rượu, “Xoay” để tăng độ tương tác giữa rượu với không khí, “Ngửi” để nhận ra những tầng hương phức tạp và “Nhấp” để thưởng thức tất cả những điều đó sau khi đã có thông số trong đầu. Sau khi đã thực hành những công đoạn này đến độ nhuần nhuyễn, có khi bạn sẽ bắt đầu có những thói quen như người sành rượu hay làm. Hoặc họ coi nó như món quà tặng khi có dịp đặc biệt nào đó, hoặc họ uống nó với những món đồ nguôi cho bữa tiệc thân mật với bạn bè vào tối cuối tuần, hoặc họ cứ có dịp là đi đến những trang trại hay nhà sản xuất nho địa phương để thu thập những chai rượu cho bộ sưu tập của mình, hoặc họ nhâm nhi nó một mình vào buổi chiều hè nắng gắt với cuốn sách trong tay và có khi… một điếu thuốc. Bỏ qua công thức, thì rượu vang cho người ta sự sáng tạo trong cách họ muốn coi rượu vang là gì, một món đồ trang sức hay một thứ đồ uống cần có trong nhà, một nghi thức xã giao không bao giờ lỗi mốt hay một lối đi đưa họ đến thế giới của nghệ thuật, văn chương, thi ca, nhạc hoạ…